Sách là công trình nghiên cứu của Andrew Hardy về quá trình khai hoang và định cư vùng An Khê (phía đông tỉnh Gia Lai) trong giai đoạn 1864 - 1888. Công trình tham khảo Châu bản triều Nguyễn, tập hợp tấu chương của quan lại gửi về triều đình, gồm kế hoạch di dân, báo cáo khảo sát, đề xuất ngân sách và bổ nhiệm.
Nghiên cứu đề cập chính sách của triều Nguyễn tại An Khê, được coi là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng, cửa ngõ Tây Nguyên.
Bìa "Lịch sử khai khẩn cao nguyên An Khê, 1864-1888", sách 132 trang do NXB Hà Nội và Omega Plus liên kết ấn hành. Ảnh: Omega Plus Books
An Khê không chỉ nối liền đất liền và biển mà còn là trung tâm đầu mối của các tuyến đường kết hợp cả thủy lẫn bộ. Do vị trí đặc biệt, người Việt sớm tìm đến vùng đất này. Nhiều nghiên cứu khảo cổ học nhận định đây là địa điểm xuất hiện con người sớm nhất trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Andrew Hardy, quá trình khai khẩn được chia làm ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn một (1864-1867) chỉ khai hoang một số ruộng và thôn, không thành công nhưng là sự khởi đầu cần thiết, bài học cho bước tiếp theo. Đợt di dân thứ hai từ năm 1870 đến 1872 do Đặng Duy Hạnh lãnh đạo cũng không thu được kết quả như kỳ vọng của triều đình Tự Đức.
Dự án thứ ba trong khoảng thời gian từ năm 1877 đến 1885, do Phan Văn Điển lãnh đạo được đánh giá là thành công. Khoảng 10 năm sau, đã có 854 mẫu ruộng được khai khẩn, 590 gia đình định cư trong 30 thôn. Đợt di dân hoàn thành "trước thềm một cuộc chiến mới với quân Pháp, cuối cùng nhà Nguyễn đã tìm được một mô hình lãnh đạo hiệu quả để củng cố quyền kiểm soát của mình trên toàn vùng biên An Khê".
Tác giả cho rằng thành công của dự án thứ ba nằm ở mô hình lãnh đạo mới. Sách giải thích: "Mô hình này hoán đổi vai trò của thẩm quyền hành chính và vốn hiểu biết địa phương, mà trước đó vốn nghiêng về hiểu biết địa phương".
Andrew Hardy tri ân người có công trong giai đoạn lịch sử: "Trong những năm tháng ấy, áp lực của thực dân Pháp ở phía Đông, phía Nam, sự lớn mạnh của giáo phận Kon Tum ở phía Tây chính là động cơ đưa Phan Văn Điển vượt qua mọi gian khó, hy sinh để mang lại thành công cho công cuộc khai khẩn cao nguyên An Khê, củng cố một vùng biên cương phía Tây Tổ quốc".
Dựa vào tài liệu được giám định chặt chẽ và thư tịch cổ phương Tây và Việt Nam cùng điều tra thực địa, tác giả nhận xét, đánh giá khách quan về bối cảnh lịch sử công cuộc khai hoang, sự dịch chuyển tầng lớp xã hội ở An Khê trong giai đoạn đặc biệt.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nhận xét: "Cuốn sách khép lại và cũng mở ra các vấn đề để thảo luận. Sách bắc một nhịp cầu, là bước chuyển tiếp lịch sử quê hương Tây Sơn từ truyền thống đến hiện đại. An Khê từ đống đổ nát, hoang tàn đứng dậy làm nên trang sử mới, nhưng sự vươn dậy diễn ra như thế nào, hầu như chưa có sách, báo xuất bản chính thức nào đề cập đến. Đây là công trình khoa học đầu tiên dành riêng cho giai đoạn này".
Andrew Hardy (59 tuổi) là giáo sư sử học người Pháp, Chủ nhiệm ban nghiên cứu lịch sử hiện đại và đương đại Việt Nam tại Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO). Các tác phẩm của ông tập trung vào những cuộc di cư của người Việt, lịch sử Chăm Pa và miền Trung Việt Nam.
Châu Anh